Sponsored Links
|
Ra thông báo, kêu gọi, liên hệ trực tiếp... là những biện pháp mà SAM đang thực hiện để đại hội lần 2 vào ngày 28/3 có thể tiến hành, chứ không phải dời lại nữa chỉ vì không đủ số người tham dự.
Vẫn theo lối mòn của năm trước, đại hội cổ đông lần 1 hôm 14/3 của Công ty cổ phần Sacom (mã SAM) đã không thể diễn ra, do chỉ có đại diện của 50,42% vốn điều lệ đến dự. Đây là doanh nghiệp đầu tiên phải tổ chức lần 2, trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Theo Luật doanh nghiệp, đại hội tiến hành khi số cổ đông dự họp đạt ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nếu không đủ tỷ lệ này, doanh nghiệp phải tổ chức lần 2 và khi đó chỉ cần sự có mặt của 51% là đủ.
Như vậy, nếu tất cả cổ đông đã tham dự lần 1 tiếp tục đến dự đại hội ngày 28/3, SAM vẫn thiếu tỷ lệ tối thiểu là 0,58%. Doanh nghiệp hiện phải kêu gọi nhà đầu tư tham gia, đăng thông tin trên trang web, báo. Ngoài ra, "SAM còn liên hệ trực tiếp với nhiều cổ đông, dựa trên danh sách của Trung tâm lưu ký", Tổng giám đốc Đỗ Văn Trắc cho biết.
Tuy nhiên, do địa chỉ của nhiều người đã thay đổi, có trường hợp ghi quá vắn tắt: không có số nhà, quận, huyện cư trú mà chỉ chung chung là Hải Phòng, Nam Định... nên theo ông Trắc: "Doanh nghiệp khá vất vả trong việc gọi điện, gửi thư cho cổ đông".
Những doanh nghiệp có lượng cổ đông lớn như SAM (gần 14 nghìn) và phân tán ở nhiều vùng, có cả nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ có mặt tại đại hội. Bởi chi phí đi lại tốn kém. Hơn nữa, nhiều người không thu xếp được thời gian.
Cũng lo ngại cảnh đại hội bất thành năm ngoái, một doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ có cổ phiếu niêm yết trên sàn TP HCM phải gửi cùng lúc hai thư mời trong một phong bì. Thư mời thứ nhất đề ngày tổ chức đại hội là 27/3. Cũng cùng địa điểm như giấy thứ nhất, giấy mời thứ hai đề ngày tổ chức là 10/4 với ghi chú: chỉ có giá trị trong trường hợp đại hội tổ chức vào ngày 27/3 không thành công do không đủ 65% cổ đông tham dự. Đề phòng tình huống không thể tiến hành đại hội như dự kiến cũng như tiết kiệm chi phí, giữ chân cổ đông, doanh nghiệp đã lên sẵn phương án dự phòng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có ngày tổ chức đại hội vào cuối tháng 3 cũng cho biết: "Sẽ tùy cơ ứng biến. Nếu không đủ cổ đông, có thể tiến hành trễ hơn dự định một chút. Trong khoảng thời gian này sẽ trao đổi, trả lời thắc mắc của những người tham dự...".
Tham dự đại hội cổ đông, nhà đầu tư có cơ hội chất vấn, nắm thông tin rõ ràng, thay vì chỉ nghe tin đồn thổi trên thị trường. Ảnh: B.H.
|
"Nếu đại hội diễn ra trong lần triệu tập đầu tiên sẽ tránh lãng phí cho doanh nghiệp, thiệt thòi cho cổ đông", Tổng giám đốc công ty trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí từng phải dời đại hội sang lần 2 hồi năm ngoái chia sẻ. Theo ông, việc điều hành, quản trị công ty sao cho hiệu quả, tăng trưởng từng năm không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Và cổ đông nên ủng hộ Hội đồng quản trị, mà biểu hiện trước tiên là phải có trách nhiệm đến tham dự đại hội.
Tuy nhiên, có nghịch lý là khoảng cách từ ngày chốt danh sách đến lúc tổ chức đại hội khá xa. Do đó, có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu nên không thiết tha đến "phiên chất vấn". Trong khi những người sở hữu sau ngày chốt lại không có cơ hội đến nghe kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp, do không được ai chứng nhận tư cách cổ đông. Nhà đầu tư lướt sóng cũng ít quan tâm, với quan điểm không nắm cổ phiếu nào trong thời gian dài.
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã lên tiếng về vấn đề này trong mùa đại hội năm ngoái, khi một loạt công ty niêm yết thất bại trong lần tổ chức đại hội đầu tiên, do không đủ người dự. VAFI và một số doanh nghiệp đã đề xuất nên biểu quyết bằng thư điện tử, tiện ích cho những người không có điều kiện tham dự.
Mới đây, VAFI lại có văn bản nêu ra những cái lợi cho cổ đông khi tham dự đại hội, như: nắm bắt nhiều thông tin, chất vấn trực tiếp với lãnh đạo... để kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của những người sở hữu cổ phiếu.
Song, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết, dễ hiểu cho cổ đông chứ không phải viết cho người trong ngành. Hơn nữa, những tài liệu này phải được đăng tải sớm trên website công ty để mọi người có điều kiện nghiên cứu trước.
Anh Trung, nhà đầu tư sàn SSI bộc bạch tâm trạng ngán ngẩm khi nghe lãnh đạo cứ thao thao bất tuyệt, đọc lại những gì đã in trong tài liệu. Sau khi phía công ty hết đọc báo cáo kết quả này đến tờ trình kia, thì thời gian giải đáp nhiều lúc chỉ còn 15-20 phút, cổ đông mệt mỏi cũng chẳng ai muốn hỏi. Thay vì vậy, anh Trung cho rằng, những gì đã có trong tài liệu không cần phải trình bày lại, để dành toàn bộ thời gian cho những thắc mắc, tranh luận. Có như vậy, người dự mới thấy được tầm quan trọng của mình và hào hứng tham gia.
Ngoài ra, khâu tổ chức, cách thức tổ chức đại hội, một số ý kiến cũng cho rằng doanh nghiệp nên sắp xếp thời gian hợp lý, ví dụ: tránh diễn ra vào ngày cuối tuần, ngày lễ và nên tổ chức vào buổi chiều, để buổi sáng nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường.
Theo VAFI, Ủy ban chứng khoán nên lập biểu bảng thống kê về lịch tổ chức đại hội, đăng trên web của SSC để doanh nghiệp biết. Khi các công ty đại chúng tiến hành xong đại hội, nên thống kê về lịch trình, địa điểm tổ chức của từng tháng để doanh nghiệp có phương án điều chỉnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét