Sponsored Links
|
Tin đồn về sự xuất hiện của "người rừng" 12 năm qua là nỗi ám ảnh của những người dân sống ven bờ sông Chảy (Lào Cai). Câu chuyện thực thực, hư hư truyền miệng từ người này, sang người khác được thêu dệt thêm những tình tiết kỳ bí càng trở nên bí ẩn… Theo thời gian, sự ngờ vực được nhân lên khi một số người dân đi rừng vô tình bắt gặp một người đàn ông thoắt ẩn, thoắt hiện trên những vách đá cheo leo. Truy tìm tang vật một vụ án Những thước phim sống động được cán bộ Phòng Công tác chính trị (PX15) Công an tỉnh Lào Cai kỳ công ghi lại ngày 9/3, khi dẫn giải "người rừng" Ma Seo Chứ về nơi ẩn nấp và cất giấu các phương tiện gây án gồm 2 khẩu súng kíp, 2 con dao quắm và một khẩu súng AK… là sự phản ánh sinh động những nhọc nhằn và quyết tâm của Công an tỉnh Lào Cai trong hành trình đi tìm sự thật. Chiều 8/3, 20 cán bộ Công an tỉnh Lào Cai dưới sự chỉ huy của Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Lào Cai (PC 14) lặng lẽ lên đường… Sau gần 3 giờ lắc lư đường rừng, lực lượng của Ban chuyên án có mặt tại Công an huyện Simacai khi màn đêm phủ khắp núi rừng.
Hang núi nơi "người rừng" sinh sống trong 12 năm.
Chỉ kịp ăn tạm bữa cơm do nhà bếp Công an huyện chuẩn bị, họ đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các lực lượng tham gia chuyên án gồm Công an huyện Simacai, Phòng Kỹ thuật hình sự, Phòng CSBV, Công an xã và dân quân… Trong cuộc họp ấy, những tình huống xấu nhất đều được Ban chuyên án đặt ra rồi lật đi, lật lại mổ xẻ nhằm có kế hoạch chủ động.
Tờ mờ, họ đã sắp xếp hành trang chuẩn bị lên đường, đồ dùng mang theo chủ yếu là những thứ gọn, nhẹ và thiết yếu nhất. Gương mặt của Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng PC 14 và các lực lượng tham gia phá án đầy vẻ lo âu, căng thẳng.
Không lo lắng sao được, bởi khác với các thành phố lớn, khi tiến hành khám xét hiện trường vụ án, ôtô có thể đỗ xịch trước cửa nhà, việc đảm bảo an toàn trong vòng kiểm soát… Ở đây, họ phải dẫn giải "người rừng", lẩn trốn 12 năm trên những vách núi cheo leo chưa hề có bước chân người qua lại. Hơn nữa, áp lực công việc đè nặng bởi các vật chứng tìm được trong chuyến công tác này sẽ là những tài liệu quan trọng để kết thúc chuyên án đã dày công theo đuổi suốt 12 năm, chứng minh hành vi phạm tội của Ma Seo Chứ.
Ma Seo Chứ.
Theo kế hoạch đã được chuẩn bị trước, một tổ công tác gồm những người địa phương, khoẻ mạnh đã đi trước mở đường, một tổ đi ở phía dưới. tổ còn lại gồm 6 trinh sát thay phiên nhau dẫn giải Chứ. Từng tham gia nhiều vụ án nhưng có lẽ đây là trận đánh "thử lửa" đối với các trinh sát. Vị trí các hang đá nơi Chứ cất dấu các khẩu súng nằm cheo leo ở vách núi, nhìn xuống là sông Chảy quanh năm nước chảy xiết…
Cuộc khám hiện trường chẳng khác gì những vận động viên leo núi đang tham gia một cuộc chinh phục đầy mạo hiểm, chỉ cần sểnh chân là tính mạng có thể hiểm nguy. Song căng thẳng nhất vẫn là việc dẫn giải "người rừng", ở địa hình quen thuộc suốt 12 năm qua, hắn có thể chạy thoát vào rừng sâu thăm thẳm bất cứ lúc nào.
Để đảm bảo an toàn, lực lượng đánh án buộc phải khoá tay Chứ, phía trên chiếc cổ tay còn được dòng thêm một đoạn dây thừng vừa để dẫn giải, vừa tránh Chứ có thể lăn xuống vực, tìm cách thoát thân… Các trinh sát vốn sát khoẻ mạnh cũng đều rã rời, mồ hôi như tắm, những bắp chân căng cứng đau nhừ, lại thêm bị cây rừng, mảnh đá cọ sát ứa máu đỏ.
Người đi là vậy, nhưng người ở nhà, Thượng tá Phó Giám đốc Giàng Ly Pao thì cũng như "ngồi trên đống lửa" vì lo lắng cho tính mạng của cán bộ chiến sỹ. Chỉ đến khi nhận được nguồn tin, các thành viên trong Ban chuyên án đã trở về trụ sở an toàn, thu giữ được 3 khẩu súng, trong đó có 2 khẩu súng kíp và một khẩu súng AK là phương tiện Chứ dùng để giết Trưởng Công an xã Thanh Bình, Thượng tá Pao mới thở phào nhẹ nhõm. Khi dẫn giải "người rừng" Ma Seo Chứ về đến Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai thì đã gần 20h tối.
Sự xuất hiện của "người rừng"
Mười hai năm trước, trong những cánh rừng hoang sơ ven bờ sông Chảy thuộc hai huyện giáp ranh Mường Khương và Simacai xuất hiện một người đàn ông lạ, thoắt ẩn thoắt hiện trong các hang đá trên các vách núi cheo leo. Một số người dân đi rừng đã bị "người rừng" đe dọa bắn chết… Ngần ấy thời gian, sự xuất hiện của "người rừng" đã trở thành nỗi ám ảnh hoang mang trong dư luận nhân dân.
Ngày 28/9/1997, lực lượng dân quân xã Tả Thàng, huyện Mường Khương bắt một đối tượng cao 1m65 tóc cắt ngắn ẩn nấp dưới hang đá ở khu vực bờ sông Chảy. Song đêm ấy, khi bị đưa về trụ sở Công an xã, tên này đã cởi trói rồi lợi dụng sơ hở, lấy trộm một khẩu súng AK trốn vào trong đêm tối. Khi ấy, Công an tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban chuyên án tiến hành điều tra vụ án… Lúc ấy lực lượng đánh án đã nghi vấn đối tượng Ma Seo Chứ, SN 1954, trú tại huyện Sima cai…
Hơn một năm sau, vào ngày 4/8/1998 người dân ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương phát hiện "người rừng" ẩn náu tại Hang Khỉ, thuộc thôn Vang Đẹc (Lào Cai). Tổ công tác Công an xã Thanh Bình do Trưởng Công an xã Tráng Sín Trá cùng một số Công an viên và Công an huyện Mường Khương đã tổ chức lực lượng vây ráp cửa hang. Phát hiện bị bao vây, gã "người rừng" bất ngờ xả súng, bắn chết Trưởng Công an xã Tráng Sín Trá.
“Người rừng” là tội phạm
Chiều 31/1, hai người dân là Ma Diu Quan và Ma Diu Cháng ở thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Simacai phát hiện một đối tượng lạ mặt, đi chân trần, quần áo tơi tả đeo chiếc gùi đã báo Sùng A Dín, Trưởng Công an xã. Sau khi điện thoại thông báo tình hình, Trưởng Công an xã Sùng A Dín liền đuổi theo đối tượng. Khi đến thôn Xán Chá của xã Thào Chư Phìn thì anh đuổi kịp, yêu cầu đối tượng dừng lại, xuất trình giấy tờ. Lúc này, gã đàn ông rút khẩu súng, lên đạn quay ra dọa bắn đồng chí Dín. Trưởng Công an xã Dín đã xông vào vật lộn với hắn. Trong lúc hai bên đang quần nhau, gã bất ngờ rút con dao đi rừng chém anh Dín. Thật may, chiếc ví trong túi quần đã giúp anh Dín thoát nạn… Mặc dù vô cùng nguy hiểm nhưng đồng chí Dín vẫn dũng cảm cùng một số người dân trên địa bàn đuổi theo hắn thêm khoảng 3km thì bắt giữ được đưa về trụ sở.
Những ngày đầu về Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai, Chứ như con khỉ gió, co rúm người mỗi khi thấy có sự xuất hiện của cán bộ điều tra. Lúc ấy, các thành viên Ban chuyên án quyết định tạm giữ Chứ về hành vi chống người thi hành công vụ để tiếp tục mở rộng vụ án.
Thượng tá Pao đã trực tiếp gặp Chứ, giao tiếp với "người rừng" bằng tiếng địa phương nhưng hắn vẫn một mực không mở miệng. Các thành viên trong Ban chuyên án đã làm công tác tâm lý, cho Chứ gặp gỡ những người thân trong gia đình, rồi phân tích cho Chứ hiểu chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Chứ đã thành tâm hối cải. Ngày 9/3, Ban chuyên án đã tổ chức kế hoạch dẫn giải đối tượng về nơi cất dấu các phương tiện gây án, thu giữ khẩu súng AK cùng nhiều phương tiện khác, chứng minh hành vi phạm tội của Chứ.
Sự thật về “người rừng” đã được làm rõ. Đó chính là Ma Seo Chứ, 56 tuổi, trú tại thôn Phìn Chư 1, xã Nàn Xín, huyện Simacai. Năm 1980, Chứ rời quân ngũ rồi về làm Phó Chủ tịch xã Nàn Xín. Đến đầu năm 1990 do một số vấn đề về tài chính… anh ta được điều động làm Xã đội trưởng. Những biến động về tâm lý khiến Chứ trở nên bất mãn, anh ta trả súng cho Huyện đội rồi bỏ vào rừng sinh sống. Thời gian đầu, Chứ vẫn gặp vợ nhưng đến năm 1993 thì hắn "bặt vô âm tín"… Chứ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người dân sống ven bờ sông Chảy.
Sau hơn 12 năm kiên trì, lần tìm theo tung tích của “người rừng”, các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Lào Cai đã được đền đáp xứng đáng
Theo Cand.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét