Sponsored Links
|
Ở tuổi 62, McEwan vẫn tiếp tục tìm kiếm thử thách mới và gặt hái thành công, trong khi không ít cây bút khác ở độ tuổi của ông dần đánh mất sự sắc sảo.
Sinh năm 1948, McEwan thuộc về thế hệ nhà văn tài năng nở rộ tại Anh vào những năm 1980 cùng với các tên tuổi như Julian Barnes, Martin Amis và Salman Rushdie. Ông nhận bằng cử nhân văn chương Anh tại đại học Sussex vào năm 1970, sau đó nhận bằng thạc sĩ của đại học East Anglia. Nhưng việc sáng tác của McEwan có vẻ cầm chừng và dường như ông luôn đứng sau bóng của đồng nghiệp.
Thế mà chỉ trong vòng một thập kỷ qua, với việc đều đặn cho ra đời nhiều đầu sách được mọi người tìm đọc, được giới phê bình đánh giá cao, ông vụt sáng thành cây bút hàng đầu của văn học Anh.
Theo trang FT, dù đến 18/3 năm nay, Solar, tiểu thuyết mới nhất của ông mới ra mắt, nhưng cuối năm 2009, McEwan thông báo rất sớm về việc ông viết cuốn sách. Ông tiết lộ đây là "tiểu thuyết cảnh báo sự nóng lên toàn cầu". Một vài blogger cay độc bắt đầu chĩa mũi dùi vào McEwan. Một vài tờ báo sốt sắng dẫn lại những lời này như là "sự phản ứng dữ dội".
Bấy nhiêu cũng đủ thấy viết và ra mắt tiểu thuyết Solar là một nhiệm vụ đầy tham vọng và thách thức của "lão nhà văn" này.
Đáng nói là, không ai nghĩ McEwan có thể viết cuốn sách với văn phong hài hước, đùa tếu, vì điều này rất mới mẻ với chính ông. Thế nhưng, khi Solar ra đời, không một ai nghi ngờ về điều đó.
Khi đọc hết cuốn tiểu thuyết, có hai ấn tượng đặc biệt ngay lập tức hiện ra. Đầu tiên, đây là tác phẩm hoàn toàn tuyệt vời, và có thể là tác phẩm hay nhất mà McEwan từng xuất bản. Thứ hai, sách không chỉ nói đến vấn đề biến đổi khí hậu mà còn thật sự hài hước, trào phúng, một cuộc cách mạng trong giọng văn với McEwan.
McEwan ngày càng thành công trong nghề văn. Ảnh: FT
Ở cuốn tiểu thuyết thứ 11 này, McEwan viết về về Michael Beard, một nhà vật lý học đoạt giải Nobel, béo phị và khôi hài giống nhân vật kiểu Falstaffian trong kịch Shakespeare. Michael Beard có cuộc hôn nhân lần thứ 5 sai lầm. Và trong cuộc đối đầu với một đồng nghiệp bị cắm sừng, cuộc đời nhà khoa học thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng vừa xấu vừa tốt.
Có thể nói, tiểu thuyết Solar vừa vui nhộn vừa nghiêm túc, vừa tươi sáng cũng vừa đầy bóng tối, mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc.
Sự chuẩn xác trong miêu tả và trí tuệ sắc bén trong từng câu văn giúp McEwan ngày khẳng định vị thế quan trọng của ông trên văn đàn.
Nhìn lại chặng đường 30 năm viết lách của McEwan, có thể thấy hoàn toàn hợp lý khi ông luôn nhận được nhiều ý kiến phê bình khác nhau. Ông "được" xem là anh chàng xấu tính của văn đàn khi bước vào sự nghiệp viết lách bằng những tác phẩm mang nội dung cực sốc, với hơi hướm giật gân, bạo lực. Đã có khoảng thời gian dài, McEwan để cho nhân vật của ông chôn bố mẹ trong một tầng hầm bằng đá (tiểu thuyết The Cement Garden) và giết một phụ nữ phản bội đang mang thai bằng cái dùi (trong tập truyện ngắn First Love, Last Rites). Các nhân vật trong tiểu thuyết giai đoạn đầu của ông thường mang thái độ tự mãn, sống cách ly khỏi xã hội.
Trong tiểu thuyết mới, Ian McEwan được giới phê bình nhận xét là bộc lộ được khả năng hài hước bậc thầy.
Theo thời gian, về phương diện nào đó McEwan đã chín chắn, khôn ngoan và già dặn hơn trong ngòi bút của mình, đồng thời ở phương diện khác, ông vẫn giữ được nét táo bạo trên trang viết.
Từ 1997 đến 2005 là giai đoạn McEwan chói sáng, nhận được sự ưu ái của giới phê bình cũng như độc giả với thành công của hàng loạt tiểu thuyết Enduring Love, Amsterdam, Atonement và Saturday.
Cuốn Amsterdam có vẻ như "nhẹ ký" hơn 3 cuốn còn lại nhưng lại là cuốn tiểu thuyết duy nhất của McEwan đoạt giải Booker. Trong vòng khoảng một thập kỷ, khi đồng nghiệp của McEwan đang không ngừng phấn đấu tìm kiếm thành công thì McEwan liên tục lóe sáng, đỉnh cao là kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết Atonement của ông vào năm 2007 được đề cử Oscar.
4 quyển tiểu thuyết kể trên có thể được xem là kết tinh tài năng của McEwan. Ví dụ, cuốn Atonement gồm 3 phần riêng biệt, được viết với 3 phong cách khác nhau với kỹ thuật nhảy bậc về thời gian và nơi chốn. Cuốn sách đóng lại bằng cái kết hậu hiện đại, hiện ra kết cấu "tiểu thuyết trong tiểu thuyết". Đó là cái kết độc đáo và táo bạo, khiến độc giả vẫn còn chếnh choáng tự hỏi "điều gì thật sự xảy ra" trong tác phẩm.
Nhưng từng có lúc, không ít lời phê bình, chỉ trích nặng nề chĩa vào Ian McEwan, nhặt nhạnh khuyết điểm trên trang viết của ông. Trên New York Review of books, nhà văn John Banville nhận xét về tiểu thuyết Saturday (2005): "Nếu Tony Blair đề cử một ủy ban để sản xuất ra 'cuốn tiểu thuyết dành cho thời đại của chúng ta' thì kết quả chắc chắn sẽ giống như thứ này".
Atonement lọt vào danh sách chung khảo giải Man Booker 2001, bán ra được hơn 2 triệu bản ở Vương quốc Anh và đứng vững 8 tuần ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng danh sách bán chạy. Trong khi cuốn tiểu thuyết On Chesil Beach bán ra được 1 triệu bản và trải qua 34 tuần lễ trên danh sách bán chạy. Tờ New Yorker nhận xét về ông: "Một điều hết sức bình thường và đơn giản là nhà văn McEwan đã đánh bại các đồng nghiệp để trở thành tác giả quan trọng bậc nhất của Anh".
Nếu Saturday ít nhiều gây chút thất vọng với giới phê bình và càng tạo ấn tượng là cuốn Atonement mang đến cho McEwan đỉnh cao trong nghề văn thì hai cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông On Chesil beach và Solar lại tiếp tục khiến mọi người ngạc nhiên. Điều đó khẳng định thậm chí ở độ tuổi 60, McEwan vẫn tiếp tục bền sức để tiến về những chân trời mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét